[In trang]
Sản xuất chế phẩm protease tái tổ hợp từ E. coli BL 21DE3: Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có
Thứ ba, 03/11/2020 - 13:49
Việc triển khai Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm chế phẩm protease tái tổ hợp từ E. coli BL 21DE3, ứng dụng thủy phân bã nấm men bia tạo peptide có hoạt tính sinh học” (dự án), giúp tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, giá thành rẻ.
Việc triển khai Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm chế phẩm protease tái tổ hợp từ E. coli BL 21DE3, ứng dụng thủy phân bã nấm men bia tạo peptide có hoạt tính sinh học” (dự án), giúp tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, giá thành rẻ.
Hoàn thiện quy trình công nghệ
Dự án được Bộ Công Thương giao Viện Nghiên cứu và ứng dụng sinh học công nghệ cao (HIBIOTEK) triển khai, với mục tiêu hoàn thiện quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất protease tái tổ hợp ứng dụng trong sản xuất peptide phân tử thấp từ bã nấm men bia, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Protease là nhóm enzyme xúc tác cho phản ứng thủy phân liên kết peptide. Thông thường, để tạo chế phẩm protease có thể thu nhận protease tự nhiên từ các nguồn động vật, thực vật, vi sinh vật. Tuy nhiên, protease tự nhiên hoạt lực thấp.

Sản phẩm của dự án có tiềm năng thương mại cao
Còn protease tái tổ hợp hoạt lực cao hơn, song chủ yếu mới nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chưa có công trình nghiên cứu triển khai sản xuất thử nghiệm ở quy mô lớn. Đặc biệt, sử dụng protease tái tổ hợp thủy phân giới hạn bã men bia tạo peptide sinh học có khả năng chống tăng huyết áp, chống ô-xi hóa, ức chế sự phát triển của vi sinh vật... ứng dụng làm thực phẩm chức năng góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, trên thị trường bia Việt Nam đã hiện diện gần đủ các thương hiệu bia hàng đầu thế giới và khu vực, với khoảng 30 thương hiệu bia quốc tế đang có mặt. Số liệu thực tế của một nhà máy bia, trung bình 100 lít bia thành phẩm sẽ thải bỏ khoảng 1,5 - 2,7 kg bã nấm men bia. Như vậy, với 4,5 tỷ lít bia sản xuất hàng năm sẽ thải bỏ khoảng 67,5 nghìn tấn bã.
Việc dự án sử dụng nguồn nguyên liệu chính là bã nấm men bia sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có, giá thành rẻ.
Hướng đi mới điều trị bệnh cao huyết áp
Tại buổi kiểm tra định kỳ tiến độ thực hiện dự án, diễn ra mới đây, ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Chủ nhiệm dự án - cho biết, tăng huyết áp là bệnh dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, và là nguyên nhân khiến 7 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, theo điều tra mới nhất của Hội Tim mạch học Việt Nam, khoảng 48% người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp.
Các loại thuốc trong điều trị bệnh tăng huyết áp đang được sử dụng phổ biến, có cơ chế làm giảm sự ứ nước trong cơ thể, giảm sức cản của mạch ngoại vi đưa đến làm hạ huyết áp hoặc hoạt hóa một số tế bào thần kinh gây hạ huyết áp… Tuy nhiên, các thuốc gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như gây trầm cảm, khi ngừng thuốc đột ngột sẽ làm tăng huyết áp, chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm...
Thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh cao huyết áp với thành phần lành tính, không tác dụng phụ đã và đang được nghiên cứu sản xuất và sử dụng rộng rãi trên thị trường hiện nay. Một trong những thành phần hỗ trợ tốt việc ngăn ngừa và điều trị bệnh huyết áp cao chính là các peptide có hoạt tính sinh học, có khả năng hạ huyết áp.
TS. Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - đánh giá, sản phẩm của dự án có tiềm năng thương mại tốt, khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập trên thị trường. Bên cạnh đó, dự án có sự đầu tư nghiêm túc vào thiết kế, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và hình ảnh chỉnh chu của sản phẩm.
Dự án hiện đã sản xuất thử nghiệm thành công hơn 22kg chế phẩm protease, thu được 200kg bột peptide. Thành phẩm là 50.000 viên nang thực phẩm chức năng và 360.000 lít nước uống tăng lực chứa peptide hoạt tính sinh học >60%.
Theo Báo Công Thương