[In trang]
Sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite từ dăm gỗ, rơm và rạ
Thứ ba, 27/10/2020 - 11:04
Ngày nay việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (vật liệu xanh) đang trở thành một xu thế tất yếu và là mục tiêu định hướng của nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Không chỉ bền bỉ, có tuổi thọ cao, vật liệu xanh được ưa chuộng nhờ thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Ngày nay việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (vật liệu xanh) đang trở thành một xu thế tất yếu và là mục tiêu định hướng của nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Không chỉ bền bỉ, có tuổi thọ cao, vật liệu xanh được ưa chuộng nhờ thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Rơm, rạ và phế liệu trong sản xuất, chế biến gỗ (ván dọc rìa, lõi gỗ, ván gãy, mùn cưa, phoi bào... ) là nguyên liệu rất phổ biến tại Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và nhằm tận dụng nguồn phế liệu nông, lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite từ dăm gỗ, rơm và rạ”. Đây là đề tài nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.
TS. Bùi Thị Thủy – Chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu của đề tài nhằm tuyển chọn được các chủng nấm mục phù hợp có khả năng phân hủy dăm gỗ, rơm rạ và ứng dụng để sản xuất vật liệu mới (bio-composite) thân thiện môi trường sử dụng trong lĩnh vực nội thất và xây dựng.
Theo đó, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu tuyển chọn và nhân giống nấm đảm bảo có khả năng chuyển hóa dăm gỗ, rơm rạ thành nguyên liệu để tạo bio-composite; nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm mục trên dăm gỗ, rơm rạ quy mô phòng thí nghiệm và công nghệ tạo vật liệu bio-composite cách âm, cách nhiệt từ dăm gỗ, rơm rạ quy mô phòng thí nghiệm.
Sản phẩm của đề tài
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đã tiến hành xây dựng quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất sinh khối nấm mục có khả năng chuyển hóa dăm gỗ, rơm rạ thành dạng phù hợp cho tạo bio-composite (quy mô 150kg - 200kg nguyên liệu/mẻ); quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất ván bio-composite (quy mô 4000m3/năm).
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế và môi trường của công nghệ tạo ván bio-composite, TS. Bùi Thị Thủy cho biết: “Công nghệ của đề tài tận dụng nguồn phế liệu của khâu sản xuất trước làm nguyên liệu cho giai đoạn sản xuất sau, đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên. Ván bio-composite của đề tài sử dụng nấm mục, không sử dụng keo dán hóa học từ nguyên liệu hóa thạch làm chất kết dính nên không phát thải formaldehyde, góp phần làm giảm lượng phát thải các chất thải hóa học ra môi trường. Việc sử dụng ván bio-composite làm vách ngăn thay thế thạch cao, xốp, nhựa... góp phần hạn chế sử dụng các vật liệu hóa thạch polyurethan, styrofor hoặc vật liệu từ các chất CFCs hay HCFCs mà vẫn đảm bảo cách âm, cách nhiệt”.
Công nghệ sản xuất ván bio-composite
Trong quá trình triển khai, nhóm thực hiện đã phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thành Phát (Quốc Oai - Hà Nội) sản xuất thành công hàng ngàn tấm ván bio-composite cách âm cách nhiệt, kích thước 60x60x3 (cm). Sản phẩm đáp ứng yêu cầu theo TCXDVN 175:2005, hệ số cách nhiệt R=2,5 (m2.K/w). Sản phẩm ván tạo ra đã được một số cơ sở sản xuất nội thất ứng dụng trải nghiệm làm vách ngăn tường, mặt bàn và đã có phản hồi khả quan về khả năng cách âm, cách nhiệt cũng như mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm.
Có thể nói, với giá cả phải chăng, cộng với tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc sản xuất được sản phẩm ván bio-composite ứng dụng trong thực tiễn sẽ được thị trường đón nhận, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái, đồng thời giúp đa dạng hoá sản phẩm trong công nghệ chế biến gỗ.
Nhật Linh t/h