Hà Tĩnh: Nuôi cua biển sử dụng thức ăn công nghiệp
Thứ sáu, 23/10/2020 - 15:28
Trước đây, nuôi cua chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống, dễ gây ô nhiễm môi trường nuôi. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình nuôi cua sử dụng thức ăn công nghiệp, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Trước đây, nuôi cua chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống, dễ gây ô nhiễm môi trường nuôi. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình nuôi cua sử dụng thức ăn công nghiệp, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
1 ha lãi hơn 250 triệu đồng
Nuôi cua biển thương phẩm đang được nhiều nông dân tại xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh lựa chọn bởi ngoài giá trị thương phẩm cao thì chi phí đầu tư không quá lớn, người dân có thể nuôi chuyên canh hoặc xen ghép với tôm và cá theo mô hình bán thâm canh hay quảng canh cải tiến.
Tuy nhiên, hình thức nuôi quảng canh với mật độ thấp hiệu quả không cao. Trước thực trạng này, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình trình diễn nuôi cua biển thâm canh có sử dụng thức ăn công nghiệp. Trong quá trình nuôi, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng an toàn từ khâu cho ăn, chế độ thay nước và sử dụng chế phẩm sinh học nên đã nâng cao hiệu quả quản lý các yếu tố môi trường nuôi.
Chị Phạm Thị Oanh ở thôn Sơn Tây, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh tham gia mô hình nuôi cua trên diện tích gần 1 ha với 10.000 con cua giống thả nuôi mật độ 1 con/m2. Qua 5 tháng, tỷ lệ nuôi sống lên tới 68%, cua đạt trọng lượng bình quân 0,3 kg/con, năng suất hơn 2 tấn/ha. Với giá bán 260.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí 1 ha nuôi cua thâm canh theo phương thức này cho lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. So với nuôi cua quảng canh, hiệu quả mô hình này tăng 40 – 50%, thời gian nuôi tối đa khoảng 6 tháng và tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nhằm tránh thiệt hại.
Chị Oanh cho biết: “Khi nuôi cua vừa sử dụng thức ăn công nghiệp vừa cho ăn cá tạp cho thấy các yếu tố môi trường ở vùng nuôi từ độ mặn, pH, đến độ trong rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cua. Việc quản lý, chăm sóc khá thuận lợi, cua phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao hơn nên đã giảm được khá nhiều chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Nhân rộng mô hình
Cua biển thích hợp những vùng nước mặn, lợ và cả trong vùng sản xuất lúa có độ mặn rất thấp (từ 2 – 3‰); quy trình kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Tuy nhiên, nuôi cua biển bằng thức ăn công nghiệp là mô hình mới, người dân cần được chuyển giao kỹ thuật.
Ông Hồ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Thọ, đánh giá: Mô hình nôi cua sử dụng thức ăn công nghiệp khá mới mẻ đối với người dân nơi đây nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại khá cao. Vì thế, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình nhằm phát triển nghề nuôi cua bền vững tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, việc chuyển giao kỹ thuật nuôi cua biển thâm canh có sử dụng thức ăn công nghiệp cho người dân cũng như việc áp dụng quy trình nuôi này sẽ giúp người dân chủ động được nguồn thức ăn, cua được cho ăn đầy đủ, thức ăn đảm bảo chất lượng; hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi, không xảy ra dịch bệnh, hướng tới mô hình nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Từ đó, động viên bà con tiếp tục bám ao hồ yên tâm đầu tư sản xuất. Về lâu dài, nghề nuôi cua phát triển sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ dần giảm được áp lực khai thác nguồn cá nhỏ từ tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Nuôi cua biển thâm canh còn giúp tạo thêm nguồn hàng hóa thủy sản giá trị cao bảo đảm về chất lượng, số lượng cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài địa phương.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam