[In trang]
Nghiên cứu dược liệu Đan Sâm trồng ở Việt Nam có tác dụng ức chế tế bào ung thư máu
Thứ sáu, 11/09/2020 - 08:29
Nhóm nghiên cứu tại Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội do TS. Nguyễn Hữu Tùng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu dược liệu Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) trồng ở Việt Nam: thành phần hóa học và tác dụng trên các dòng tế bào ung thư máu” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2018
Ðan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) thuộc họ Hoa môi Lamiaceae là dạng câu cỏ sống lâu năm cao chừng 40 - 80 cm, thân màu đỏ nâu, rễ hình trụ đường kính 0,5 - 1,5cm. Thân vuông, trên có các gân dọc. Lá kép mọc đối, phiến lá có lông, hoa mọc thành chùm ở đầu cành, hoa môi, màu đỏ tím nhạt, quả nhỏ dài 3mm, rộng 1,5 mm. Ra hoa tháng 4 - 6, quả tháng 7 - 9; thu hoạch lấy rễ vào mùa đông. Rễ cây có vỏ màu đỏ nâu, trên mặt cắt ngang có nhiều vết màu đỏ sẫm, nên vị thuốc có tên gọi Ðan (Ðơn) sâm, tức là sâm có màu đỏ tía. Hiện nay, được trồng nhiều ở Tây Bắc, sinh trưởng tốt. Trong Đông y, rễ của đan sâm được dùng trong các bài thuốc có tác dụng bổ máu, điều trị bệnh tim mạch.
Trong các phương pháp điều trị ung thư, phương pháp hóa trị liệu đóng vai trò chủ yếu. Nhiều thuốc điều trị ung thư đã được nghiên cứu và đưa vào điều trị. Từ những năm cuối thế kỷ 20, các nghiên cứu tập trung vào thuốc tác dụng chọn lọc ở mức độ phân tử. Trong đó phương pháp nghiên cứu các hoạt chất chống ung thư theo cơ chế chết rụng tế bào ung thư apoptosis mang lại kết quả quan trọng. Một số hoạt chất theo hướng nghiên cứu này, trong đó có các chất có nguồn gốc tự nhiên đã được đưa vào điều trị.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về hóa thực vật, tác dụng sinh học, dược lý của đan sâm là rất ít, chưa đánh giá được tiềm tăng của cây thuốc quý này. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội do TS. Nguyễn Hữu Tùng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu dược liệu Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) trồng ở Việt Nam: thành phần hóa học và tác dụng trên các dòng tế bào ung thư máu” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2018
Nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả sau:
Nội dung 1: Nghiên cứu thành phần hóa học của đan sâm trồng ở Việt Nam
- Về thu hái mẫu nghiên cứu: Đã khảo sát, thu hái mẫu nghiên cứu ở Sapa, Lào Cai. Thu hái mẫu dược liệu đan sâm (20 kg) vào tháng 9-10/2016; giám định tên khoa học Salvia miltiorrhiza Bunge tại Viện Dược liệu; tạo và lưu giữ tiêu bản theo yêu cầu. Mẫu rễ đan sâm thu hái ở Sapa, Lào Cai đạt tiêu chuẩn cảm quan theo Dược điển Việt Nam IV, chuyên luận Đan sâm.
Nội dung 2: Đánh giá tác dụng ức chế của các dịch chiết, phân đoạn và các chất phân lập được trên các dòng tế bào ung thư máu người.
- Đã đánh giá được tác dụng ức chế của các cao chiết và phân đoạn từ đan sâm trên dòng tế bào ung thư máu người thực nghiệm in vitro.
- Đã đánh giá được tác dụng ức chế của các chất tinh chế được từ đan sâm trên các dòng tế bào ung thư máu người thực nghiệm in vitro.
Nội dung 3: Nghiên cứu cơ chế chết rụng tế bào apoptosis của các mẫu có tác dụng ức chế mạnh tế bào ung thư máu thử nghiệm Kết quả thử ở trên cho thấy trijuganone C (2) có tác dụng ức chế rất mạnh trên cả 4 dòng tế bào ung thư máu thực nghiệm (HL-60, Jurkat, THP-1 và U937) với giá trị IC50 lần lượt là 6,1, 8,9, 11,2 μM và 13,4 μM gợi ý có thể phát triển thành chất dẫn đường (lead compound) để nghiên cứu và phát triển thành hoạt chất điều trị ung thư máu. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành nghiên cứu cơ chế phân tử gây chết rụng tế bào apoptosis.
Mai Anh t/h