Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:25

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:25

An toàn thực phẩm

Cập nhật 08:52 ngày 04/04/2020

Hà Nội đứng đầu xếp hạng vệ sinh an toàn thực phẩm: Kết quả mang nhiều ý nghĩa

Mới đây, Bộ NN&PTNT công bố kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2019. Trong đó, Hà Nội đã vươn lên đứng tốp đầu với số điểm 91,5. Kết quả này càng thêm nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết, kiểm soát chặt việc sản xuất, kinh doanh nông sản theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Hương Giang
Những hiệu ứng tích cực...
Nếu như năm 2018, Hà Nội đứng thứ 10 với 83 điểm về việc triển khai công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản thì đến nay Hà Nội đã vươn lên vị trí số 1 với 91,5/100 điểm, đứng đầu cả nước. Đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực chung của thành phố trong xây dựng các chuỗi liên kết cũng như giám sát, kiểm tra các khâu trong sản xuất, kinh doanh nông sản, hướng tới hình thành một thị trường nông sản an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Kết quả này đã tạo hiệu ứng tích cực với các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green nói: “Tôi rất vui mừng với kết quả Hà Nội đạt được trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Để duy trì và nâng cao hơn nữa những “điểm vàng” về an toàn thực phẩm, các nhà sản xuất, kinh doanh nông sản của Thủ đô cần xác định sản xuất sạch là yếu tố hàng đầu. Từ những kết quả mà Hà Nội đã đạt được, tôi tự tin năm 2020 sẽ nhân rộng các chuỗi cửa hàng cung cấp nông sản của công ty từ 124 lên 130 cửa hàng… ”.
Ở góc nhìn khác, bà Đặng Thị Thúy Hằng, quản lý chuỗi kinh doanh nông sản hữu cơ Moomoo Farmily (quận Thanh Xuân) cho rằng: Việc hình thành các mạng lưới sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch không chỉ mang đến thành công cho ngành Nông nghiệp Thủ đô mà cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.
Là người nội trợ, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình cho hay: "Với mức điểm và thang xếp hạng về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản của Hà Nội như hiện nay, người tiêu dùng an tâm hơn khi mua nông sản ở các cửa hàng tiện ích…".
Nói về công tác quản lý vệ sinh an toàn nông sản của Hà Nội, Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN& PTNT Hà Nội) cho biết: Cùng với việc nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người kinh doanh, sản xuất và người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã không ngừng nỗ lực nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn. Hiện tại, Hà Nội duy trì và phát triển 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, thành phố đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.718 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn.
Tạo bước chuyển mới
Những thành công của Hà Nội trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản là đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để tạo bước chuyển mới, hướng tới xây dựng một thị trường nông sản thực phẩm an toàn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là cấp xã, phường nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Mặt khác, việc triển khai các mô hình liên kết sản xuất là hướng phát triển bền vững, nhưng tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế nên tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp…
Do vậy, để duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản thì cùng với nỗ lực của ngành Nông nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất.
Triển khai thực tế công tác quản lý vệ sinh an toàn nông sản, thực phẩm ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thế Anh cho biết, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, xã sẽ thường xuyên kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ trên địa bàn, yêu cầu 100% hộ ký cam kết bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Ở góc độ của người sản xuất, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thanh cho hay: Công ty tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp lấy mẫu giám sát chất lượng các mặt hàng nông sản bán tại cửa hàng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó là tập trung chế biến sâu những sản phẩm nông sản sạch nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Với thực tế này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết nông sản; đồng thời tổ chức đánh giá thẩm định xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản theo quy định. Mặt khác, Sở tiếp tục phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) mở rộng ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc nông sản. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30% đến 50% trở lên.
Việc Hà Nội vươn lên đứng đầu cả nước về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản là kết quả đáng khích lệ. Đây là động lực để Hà Nội tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Đồng thời tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng về chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô…
Dung Huyền
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 6
  • 3
  • 5
  • 9
lên đầu trang