[In trang]
Thừa Thiên Huế phát triển thương hiệu sản phẩm dược liệu
Thứ hai, 16/03/2020 - 10:22
Theo TS Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, nguồn dược liệu của tỉnh rất đa dạng, gồm thực vật, động vật và khoáng chất, được trồng ở rừng, gò đồi, đồng bằng, đầm phá hay trên biển.
Theo TS Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, nguồn dược liệu của tỉnh rất đa dạng, gồm thực vật, động vật và khoáng chất, được trồng ở rừng, gò đồi, đồng bằng, đầm phá hay trên biển. 
Kết quả điều tra của các nhà khoa học cho thấy, tại Thừa Thiên Huế có 1.126 loài cây thuốc, trong đó có nhiều cây dược liệu quý đã và đang được trồng, khai thác như tràm, hoắc hương, hương nhu trắng, hương nhu tía... Ðây là nguồn nguyên liệu rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, có kho tàng tri thức về sử dụng dược liệu của người dân bản địa. Một số sản phẩm dược liệu đã có trên thị trường như: tràm gió, thiên niên kiện, ba kích, tinh bột nghệ...

Ðại học Huế nghiên cứu, ứng dụng khoa học nhằm xây dựng nguồn nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm trên địa bàn.
Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, dược liệu là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai. Việc triển khai mạnh mẽ nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xây dựng nguồn nguyên liệu và hiện đại hóa y học cổ truyền gắn với chương trình OCOP là yêu cầu tất yếu.
Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều cơ chế để phát triển dược liệu, như tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị. Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm dược liệu được nhân rộng. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn được các doanh nghiệp, tổ chức và người dân triển khai thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác, liên kết.
Một trong những chương trình tài trợ, hợp tác điển hình là dự án “Trường Sơn xanh”. Nhằm mục tiêu liên kết để phát triển kinh tế, dự án “Trường Sơn xanh” đã lập được năm tổ hợp tác phục tráng cây vả, với 75 hộ gia đình tham gia. Trong quá trình thực hiện, dự án đã hỗ trợ người dân các khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch hoạt động của tổ hợp tác, kỹ năng về chăm sóc, phục tráng, chiết cành, thu hái, sơ chế và bảo quản vả. Từ mô hình liên kết sản xuất này, các nông hộ đã biết nhiều hơn về giá trị kinh tế của cây vả. Số lượng đăng ký tham gia mở rộng diện tích vùng nguyên liệu ngày càng tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thừa Thiên Huế muốn phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP, thì cần duy trì tốt các mối liên kết. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát triển bền vững, ưu tiên sử dụng dược liệu trong nước. Tuyên truyền về giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế nhằm thúc đẩy việc nuôi trồng dược liệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chủ động nguồn nguyên liệu. Ngoài việc lấy những loại cây dược liệu, thế mạnh của địa phương làm mô hình điểm, cần tuyên truyền sâu rộng hơn về OCOP và khuyến khích người dân phát triển nhiều loại cây dược liệu khác.
Để phát triển các sản phẩm và dịch vụ trong chương trình OCOP một cách có hệ thống, các đơn vị cần tiến hành khảo sát tổng thể tài nguyên dược liệu, văn hóa, cảnh quan của địa phương, từ đó xác định các tiềm năng, hiện trạng phát triển, các vấn đề bất cập và đề ra các giải pháp triển khai phù hợp. Ðồng thời, vận động các cộng đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã tại các địa phương tham gia chương trình OCOP, thúc đẩy khởi nghiệp gắn với OCOP.
Thừa Thiên Huế có hệ sinh thái sinh học phong phú và đa dạng, tạo nên nguồn dược liệu phong phú, nhưng hiệu quả kinh tế từ nguồn tài nguyên này vẫn còn thấp. Việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn được các doanh nghiệp, tổ chức và người dân triển khai thực hiện và bước đầu đã phát huy hiệu quả. 
Hà Liên